Danh mục sách điện tử
Sách mới của NXB Tổng hợp TP.HCM
Tác giả: Bùi Nguyễn Trường Kiên
Giá ebook: 47,000 VNĐ
Tác giả: Trần Hoàng Vũ - Hà Tấn Tài
Giá ebook: 92,000 VNĐ
Tác giả: Ma Văn Kháng
Giá ebook: 99,000 VNĐ
Tác giả: Isabelle Müller
Giá ebook: 62,000 VNĐ
Tác giả: Trần Minh Thương
Giá ebook: 65,000 VNĐ
Chi tiết sách
Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Xuân Xanh

Số lượng còn: 5


Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Xuân Xanh

Số lượng còn: 5


Nội dung giới thiệu

Tôi rất vinh hạnh được TS. Nguyễn Xuân Xanh dành cho đặc ân được giới thiệu với quý độc giả bức Thư gửi Quý nhà giàu Việt Nam của ông, người bạn thân thiết từ năm 1969 đến nay. Bức Thư này không dài nhưng thực sự vô giá vì tính nhân văn cao đẹp của nội dung và tâm huyết của người viết cũng như vì sự ra đời rất đúng lúc của nó đối với nước ta hiện nay khi số người giàu có tăng lên rất nhanh, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng doãng ra và công luận càng lo ngại, bất bình trước những hiện tượng xa hoa, lãng phí vô nghĩa của một số người giàu mới. Nó có thể giúp khơi mào một dòng hoạt động nhân ái tiềm năng còn ẩn chứa trong lòng xã hội Việt Nam. Với tinh thần trọng thị và nghiêm túc khoa học, TS. Nguyễn Xuân Xanh đã hướng tới những người giàu có ở Việt Nam để trình bày chi tiết triết lý hiến tặng tài sản vì nhân ái (philanthropy) chứ không phải chỉ là từ thiện (charity) như lâu nay vẫn diễn ra ở Việt Nam. Bằng những ví dụ sinh động, cụ thể từ cuối thế kỷ thứ 19 ở nước Mỹ và châu Âu, ông đã làm rõ sự khác biệt “Từ thiện dành cho người nghèo túng, trong khi nhân ái dành cho nhân loại” (Gilman) như cho con cá hay cho cần câu cho người nghèo. Tác giả đã thông qua ví dụ của Andrew Carnegie để chứng minh cứu cánh của nhân ái là sự hài hòa xã hội với câu nói nổi tiếng “Ai chết giàu có, chết hổ thẹn” và điều quan trọng không chỉ là “đạt đến sự phồn vinh bằng cách nào” mà “làm gì với sự phồn vinh đó”, tức là dùng sự giàu có của mình để cải thiện xã hội.

Bằng những ví dụ sinh động của bao mạnh thường quân đã xây dựng các trường đại học, viện nghiên cứu, thư viện nổi tiếng cho đến ngày nay như Đại học Stanford, Đại học Johns Hopkins, Viện Công nghệ Carnegie, v.v.. ông đã thể hiện phương châm hành động cải thiện xã hội bằng vốn kinh tế và bằng giáo dục, khoa học, ở cấp độ cao, một cách làm vượt khỏi truyền thống gia đình để đi vào tầm vóc quốc gia, và giúp ích cho cả nhân loại. Thông qua các phát biểu của Tocqueville, tác giả cũng làm rõ triết lý của người Mỹ về “tính vị kỷ được khai sáng (enlightened self-love) không ngừng khiến họ giúp đỡ người khác, sẵn sàng dành thì giờ và tài sản của mình cho lợi ích của nhà nước” (Tocqueville). Tác giả viết: “Bằng hy sinh để cải thiện người khác, những người hy sinh đã cải thiện chính mình” […] Và “Người Mỹ nhận thức rằng thúc đẩy quyền lợi chung cũng chính là thúc đẩy quyền lợi của chính mình, vì thế họ sẵn sàng hy sinh thời gian, tiền của để giúp đỡ người khác cải thiện số phận của họ”. Tác giả viết: “Hiến tặng cho khoa học xuất hiện một cách qui mô để “chữa trị cái ác tại gốc rễ của nó”, và muốn như thế “Các nhà nhân ái không để của cải cho thế hệ sau, mà để lại cơ hội cho xã hội thông qua giáo dục và phát triển khoa học, công nghệ”, điều càng quan trọng và thời sự đối với nước Việt Nam ngày nay khi hội nhập ngày càng sâu rộng và phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ bằng sáng tạo khoa học-công nghệ và tạo nên sự khác biệt. Tác giả Nguyễn Xuân Xanh đã trích dẫn câu nói của Bill Gates, “Bồ tát” bằng xương bằng thịt của thế giới hiện đại, đã cam kết hiến tặng phần lớn gia tài của mình cho mục đích nhân ái cao cả: “Hoạt động nhân ái của chúng tôi được thúc đẩy bởi niềm tin rằng tất cả mọi con người đều xứng đáng như nhau”. Và Bill Gates nhấn mạnh: “Chúng tôi tìm kiếm các điểm chiến lược để can thiệp - ở đâu có sự bất bình đẳng lớn nhất, có những hệ quả tồi tệ nhất, và đề nghị giải pháp tốt nhất để cải thiện. Chúng tôi đã quyết định rằng các trường trung học là một nơi can thiệp cơ bản cho bình đẳng bởi vì ở đó con đường của trẻ em rẽ nhánh -  một số đi tiếp đến cuộc sống với thành tựu và ưu đãi; một số khác đến cuộc sống trong sự thất vọng, thất nghiệp và nhà tù.” Nhiều lần tác giả của bức thư làm rõ một triết lý thật sâu sắc của nước Mỹ: “Phải nói rằng, Hoa Kỳ là quốc gia nâng cao tinh thần nhân ái thành một tấm gương lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Tinh thần tự-lo (self-help) và độc lập đã bám rễ sâu vào văn hóa của họ từ lâu đời. Lòng nhân ái và tinh thần tự nguyện là hai dạng của lòng vị tha. Không chỉ những nhà giàu có, tỉ phú, mà người dân thường cũng tham gia vào hoạt động từ thiện và nhân ái.” Đối với nhiều người Việt Nam đó là một nét mới về nước Mỹ, người Mỹ.

Sau khi trình bày chi tiết những cam kết hiến tặng những khối tài sản khổng lồ, phần lớn gia tài của rất nhiều tỷ phú Mỹ, tác giả đã nói đến một khái niệm mới ở Hoa Kỳ: Người ta nói đến “chủ nghĩa tư bản nhân ái” (philanthrocapitalism), và xem đó là định hướng cho sự phát triển tương lai. Thông qua chủ nghĩa nhân ái, một dòng tiền dư thừa khổng lồ của sự phồn vinh trong xã hội sẽ được tái sử dụng vào đầu tư cho giáo dục và sáng tạo tri thức mới, yếu tố sống còn cho sự đổi mới sáng tạo. Và tác giả đã nêu bật đức tính của những tỷ phú khi hiến tặng tài sản: Một đặc tính của những nhà hoạt động nhân ái là họ muốn thấy đồng tiền được sử dụng hiệu quả và quản lý chuyên nghiệp vào những mục tiêu đã định, chứ không chỉ đơn thuần “giao phó”. Phần lớn những nhà nhân ái tham gia vào việc quản lý đồng tiền lúc họ còn sống. Họ thuê các nhà quản lý chuyên nghiệp cũng không kém những nhà quản lý trong kinh doanh. Họ làm nhân ái với sự đam mê, tận tụy, kiên trì và hiệu quả cho xã hội, y như khi họ làm kinh tế cho chính họ, chứ không phải làm chỉ vì hư danh. Tác giả đã nhận xét rất chính xác về kinh tế Việt Nam hiện nay: “Kinh tế Việt Nam chưa phải là kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ, mà một phần lớn dựa trên việc tìm kiếm ưu đãi, rent-seeking; loại hình kinh tế này không làm ra của cải, không tạo sự phồn vinh cho xã hội, mà chỉ chuyển đổi tài sản từ vai này sang vai khác, phục vụ lợi ích riêng.” Tác giả cũng phân tích và kết luận: “Việt Nam mới chỉ có từ thiện truyền thống nhằm xoa dịu nỗi đau nhất thời của những người nghèo khó. Từ thiện không hề xấu, và cần được tiếp tục, nhưng nó không nhằm thay đổi hiện trạng nghèo khổ ở gốc rễ, không giúp tạo cơ hội cho con người vươn lên, không nhằm tạo ra phồn vinh. Các nhà hoạt động nhân ái Mỹ hay phương Tây làm từ thiện bằng hành động hiến tặng tự nguyện mà không trông chờ ân huệ, đền đáp, và cảm thấy hạnh phúc khi làm việc đó. Họ cũng sẽ ra đi rất nhẹ nhàng, không cô đơn hay sợ hãi, vì cảm thấy đã làm tốt nhiệm vụ của họ trên trái đất”. Tôi hoàn toàn ủng hộ lời kêu gọi của  TS. Nguyễn Xuân Xanh đến các nhà giàu có và mọi người Việt Nam giàu hay nghèo hãy hiến tặng nhân ái vì giáo dục, khoa học, sáng tạo mang tính hiệu quả cao cho xã hội, thay vì chỉ làm từ thiện như bấy lâu nay. Đó là một hướng hoạt động rất mới và tiềm năng cho Việt Nam. Xã hội Việt Nam có thể còn nhiều mặt tụt hậu, nhưng có thể vươn lên những giá trị nhân ái đáng kính phục, bằng những hoạt động nhân ái rất hữu ích cho xã hội theo nghĩa trên. Rất mong bức thư này được phổ biến thật rộng rãi và biến thành hành động thiết thực, góp phần tái cơ cấu kinh tế chuyển sang nền kinh tế trí thức, sáng tạo, phát triển bền vững.

  Hà Nội, ngày 13/4/2015

LÊ ĐĂNG DOANH