Tập sách này kết cấu trên nền tảng đạo đức
sinh thái, bộc lộ sáng rõ ý tưởng khảo cứu. Tác giả đi sâu bàn rộng vào
góc nhỏ đời sống, cụ thể: Ý thức về môi trường sinh thái qua ca dao,
tục ngữ Nam Bộ; Ý thức sinh thái Nam Bộ; vài góc nhìn tham chiếu... Mỗi
bài khảo cứu đi kèm truyện ngắn cho thấy ý muốn gắn liền việc "nghiệm
xét" trong văn bản nghiên cứu với trải nghiệm cụ thể của hình tượng nghệ
thuật trong sáng tác văn chương. Có lẽ tác giả không nghĩ đến việc xác
lập bản thân trong vai trò nhà nghiên cứu, mà đúng hơn ông chỉ mong muốn
gợi mở, thiết lập vấn đề, ngõ hầu những ai có lòng đắn đo theo đó mà
tiếp tục nghĩ ra và bàn tới tiếp sức.
Chính thế, tập sách này có thể xem như
trang viết truyền cảm hứng (khơi dậy tình yêu nước thương nòi, tình yêu
thương con người vạn vật nói chung) hơn là tập chuyên khảo hàn lâm. Từ
mảnh đất quê, Trần Bảo Định nhìn khắp chốn, kết hợp đối sánh để rạng tỏ
bản diện quê hương. Quan niệm "sinh thái học tầng sâu" của tác giả rõ
ràng xuất phát từ chính cuộc sống và lối "minh triết" sẵn có của người
bình dân Nam Bộ. Đáng quý hơn cả ở tập sách này là tác giả đã bám chặt
lấy quê hương để khai thác quan niệm sinh thái của người dân đồng bằng
sông Cửu Long và ông góp phần chuyển tải quan niệm sinh thái nhân văn
riêng biệt của người bình dân Nam Bộ hòa vào mối quan tâm chung của nhân
loại về vấn nạn môi trường sinh thái hôm nay.