Danh mục sách điện tử
Sách mới của NXB Tổng hợp TP.HCM
Tác giả: Bùi Nguyễn Trường Kiên
Giá ebook: 47,000 VNĐ
Tác giả: Trần Hoàng Vũ - Hà Tấn Tài
Giá ebook: 92,000 VNĐ
Tác giả: Ma Văn Kháng
Giá ebook: 99,000 VNĐ
Tác giả: Isabelle Müller
Giá ebook: 62,000 VNĐ
Tác giả: Trần Minh Thương
Giá ebook: 65,000 VNĐ
Chi tiết sách
Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ - Tư tưởng cải cách giáo dục

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực

Số lượng còn: 5


Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ - Tư tưởng cải cách giáo dục

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực

Số lượng còn: 5


Nội dung giới thiệu

1. Vào giữa thế kỷ XIX, với sự xâm nhập ồ ạt của chủ nghĩa tư bản phương Tây, các nước phương Đông đều đứng trước những thử thách vô cùng to lớn: hoặc bị xâm chiếm, biến thành các nước thuộc địa, hoặc từng bước trở thành các nước phụ thuộc, hoặc phải ký kết những hiệp ước bất bình đẳng với các nước phương Tây. Trong tình hình đó, ở các nước phương Đông đều đã xuất hiện các nhà tư tưởng chủ trương mở cửa, cải cách, học tập chính nền văn minh phương Tây để tiến kịp các nước phương Tây, bảo vệ độc lập cho đất nước. Fukuzawa Yukichi của Nhật Bản và Nguyễn Trường Tộ của Việt Nam là những nhà tư tưởng như vậy. Fukuzawa Yukichi là nhà khai sáng và nhà giáo dục lừng danh của Nhật Bản vào nửa sau thế kỷ XIX. Ông là người đả phá mạnh mẽ lối hư học, chủ trương giáo dục thực học, cổ vũ việc học tập văn minh phương Tây, xây dựng nền giáo dục cận đại, tiên tiến của Nhật Bản. Chính phủ Meiji (Minh Trị), đặc biệt là Bộ Giáo dục đã tiếp nhận và thực thi những tư tưởng giáo dục của ông, đem tới những thành tựu vô cùng to lớn trong sự nghiệp cận đại hóa đất nước. Nguyễn Trường Tộ là nhà tư tưởng cải cách nổi tiếng của Việt Nam giữa thế kỷ XIX. Tư tưởng cải cách của ông được trình bày trong gần 60 điều trần mà ông liên tục gửi cho triều đình nhà Nguyễn trong gần 10 năm, từ năm 1863 đến năm 1871. Trong lĩnh vực giáo dục, những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ mang tính tiên phong, có nội dung phong phú, sâu sắc. Ngay từ đầu thế kỷ XX, những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ đã được nhìn nhận và đánh giá cao. Trong tác phẩm nổi tiếng Việt Nam Quốc sử khảo, Phan Bội Châu đã ca ngợi Nguyễn Trường Tộ là “người khai mầm văn hóa đầu tiên ở nước ta”. Qua các điều trần, Nguyễn Trường Tộ đề cao việc học thực dụng và nêu ra quan điểm giáo dục mới “học tập, bồi dưỡng nhân tài là con đường rộng lớn để đưa đất nước đi tới giàu mạnh”. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, triều đình nhà Nguyễn đã không tin và không thực thi những cải cách, trong đó có cải cách giáo dục của ông, bỏ mất cơ hội có thể xây dựng một nền thực học tiên tiến cho Việt Nam.Ngay từ khi còn học tập, nghiên cứu ở Nhật Bản, tôi cũng đã quan tâm nghiên cứu đến tư tưởng khai sáng của Fukuzawa Yukichi và tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ. Tôi nhận thấy giữa Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ có nhiều điểm giống nhau đến kỳ lạ, đặc biệt là trong chủ trương cải cách giáo dục. Từ đó, tôi nảy sinh ý định nghiên cứu so sánh, tìm ra những nét giống nhau và khác nhau trong tư tưởng cải cách giáo dục của hai ông và lý giải xem tại sao tư tưởng về cải cách giáo dục của Fukuzawa Yukichi lại được thực thi ở Nhật Bản, đem đến thành công to lớn mà tư tưởng cải cách về giáo dục của Nguyễn Trường Tộ hầu như không được thực thi ở Việt Nam? Hiện nay, nước ta đang trong quá trình đẩy nhanh sự nghiệp Đổi Mới - công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, sự nghiệp cải cách giáo dục đã và đang đặt ra một cách cấp bách. Chúng ta đã nhiều lần tiến hành cải cách giáo dục, có những thành tựu nhất định nhưng lại có nhiều vấp váp, sai lầm. Tìm hiểu và so sánh tư tưởng cải cách giáo dục của hai trí thức tiêu biểu của hai nước vào nửa sau thế kỷ XIX: Fukuzawa Yukichi của Nhật Bản và Nguyễn Trường Tộ của Việt Nam sẽ góp một phần nhỏ bé vào việc suy nghĩ tìm ra con đường cải cách giáo dục đúng hơn, có hiệu quả hơn của nước ta hiện nay. Đó là mục đích chính của cuốn sách nhỏ này.
2. Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu ở Nhật Bản và Việt Nam đề cập đến những tư tưởng cải cách giáo dục của Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ. Về các công trình nghiên cứu tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi thì ở Nhật Bản có các chuyên luận: “Quan điểm  về giáo dục  của  Fukuzawa Yukichi” của  Fuwahara Saburo, “Luận về tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi” của Tanaka Noriyuki, Tư tưởng giáo dục của Nhật Bản cận đại - Nghiên cứu về tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi của Yasukawa Junosuke3… Vào năm 1985, trong cuộc Hội thảo nhân  dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Fukuzawa Yukichi, có nhiều báo cáo đề cập đến tư tưởng về giáo dục, về thực học của ông. Về sau Uchiyama Hideo biên tập và xuất bản thành sách với tựa đề Kỷ yếu kỷ niệm 150 năm ngày sinh
của Fukuzawa Yukichi. Từ lâu, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đã chú ý nghiên cứu về tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi. Đỗ Xuân Kháng có bài viết giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp nhà giáo dục lừng danh Fukuzawa Yukichi5. Nguyễn Văn Hồng trong cuốn Lịch sử giáo dục thời Minh Trị cũng dành nhiều trang viết về tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi. Chương Thâu dịch Khuyến học của Fukuzawa Yukichi ra tiếng Việt cũng đặt tựa đề Nhật Bản canh tân giáo dục thời Minh Trị. Và gần đây cuốn Khuyến học, một trong những tác phẩm tiêu biểu của Fukuzawa Yukichi luận bàn sâu về cải cách giáo dục cũng được Phạm Hữu Lợi dịch ra tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Nhật.Về tư tưởng cải cách giáo dục của Nguyễn Trường Tộ, ở Việt Nam, cũng đã có nhiều người quan tâm nghiên cứu. Trong nhiều bài viết từ những năm đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu đã đánh giá rất cao những tư tưởng cải cách văn hóa, giáo dục của Nguyễn Trường Tộ và cho rằng Nguyễn Trường Tộ là người gieo mầm văn hóa mới. Trước Cách mạng tháng Tám, trong các công trình của các học giả Nguyễn Lân, Đào Duy Anh, Nguyễn Trường Tộ cũng được đánh giá cao như nhà cải cách về văn hóa. Trong những năm 1960 - 1970, ở cả hai miền Nam - Bắc, việc nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ được đẩy mạnh. Cách đánh giá về sự nghiệp của Nguyễn Trường Tộ nói chung và những đề nghị cải cách giáo dục của ông nói riêng cũng có nhiều điểm khác nhau nhưng tất cả đều thừa nhận những đề nghị mới mẻ của ông về cải cách giáo dục, nhất là tư tưởng thực học là sắc sảo và tiến bộ. Trong các công trình nghiên cứu thời kỳ này thì cuốn sách đáng chú ý nhất là cuốn Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ của Đặng Huy Vận và Chương Thâu xuất bản năm 1961. Từ khi Đổi Mới đến nay, sự quan tâm về những tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ càng sâu rộng hơn trong những nhà nghiên cứu người Việt ở trong và ngoài nước. Trước hết phải kể đến công trình sưu tầm, khảo cứu công phu của Trương Bá Cần Nguyễn Trường Tộ: Con người và Di thảo1, xuất bản năm 1988. Năm 1992, Kỷ yếu hội thảo về Nguyễn Trường Tộ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh được xuất bản với tựa đề Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước2. Trong cuốn sách này, các nhà nghiên cứu như Đặng Đức Thi, Nguyễn Văn Hồng, Cao Tự Thanh, Lâm Quang Thái, Mai Quốc Liên phân tích tư tưởng cải cách giáo dục, đặc biệt là tư tưởng thực học của Nguyễn Trường Tộ và lý giải tại sao những tư tưởng cải cách, trong đó có cải cách giáo dục của Nguyễn Trường Tộ lại hầu như không được thực thi ở Việt Nam, bỏ mất một thời cơ quý để cải cách, duy tân đất nước. Nhà nghiên cứu người Việt ở nước ngoài Vĩnh Sính, trong nhiều bài viết về giao lưu văn hóa Đông Á đã đề cập đến những tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ3. Các bài viết của ông đã đưa ra nhiều tư liệu và lập luận xác định lại nhiều vấn đề liên quan đến tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ và đặc biệt, các bài viết đều đưa ra các so sánh với các nhà tư tưởng phương Đông khác trong đó có Fukuzawa Yukichi.
3. Mặc dầu vậy, cả trong nước lẫn ngoài nước, chưa có công trình nào nghiên cứu so sánh về tư tưởng cải cách giáo dục của Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ. Công trình nghiên cứu khoa học Nghiên cứu so sánh tư tưởng cải cách giáo dục ở Nhật Bản và Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX - Trường hợp tư tưởng “thực học” của Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ (2006) của tôi được thực hiện tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, là bước đầu nghiên cứu theo hướng này. Dựa theo kết quả nghiên cứu trên, tôi đã sửa chữa, biên soạn thành cuốn Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ: Tư tưởng cải cách giáo dục mà bạn đọc đang cầm trên tay. Cuốn sách gồm có 4 chương. Chương 1 giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của hai nhà tư tưởng cải cách nổi tiếng cuối thế kỷ XIX: Fukuzawa Yukichi của Nhật Bản và Nguyễn Trường Tộ của Việt Nam; Chương 2 giới thiệu tư tưởng cải cách giáo dục của Fukuzawa Yukichi; Chương 3 giới thiệu tư tưởng cải cách giáo dục của Nguyễn Trường Tộ và Chương 4 so sánh tư tưởng cải cách giáo dục của hai ông. Trong phần Kết luận, thay vì tổng kết lại những kết quả nghiên cứu, chúng tôi dành để phân tích, so sánh những cơ sở chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội của hai nước vào thế kỷ XIX để bước đầu lý giải một câu hỏi lớn: tại sao tư tưởng cải cách của Fukuzawa Yukichi được thực hiện một cách triệt để ở Nhật Bản mà tư tưởng cải cách giáo dục của Nguyễn Trường Tộ không được thực hiện ở Việt Nam.
4. Nhân dịp xuất bản cuốn sách này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới GS. Imanaga Seiji, người hướng dẫn đầu tiên của tôi trong thời kỳ nghiên cứu ở Nhật Bản. Giáo sư là một chuyên gia nghiên cứu về Fukuzawa Yukichi nên ông đã cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý về Fukuzawa Yukichi và hướng tôi vào việc nghiên cứu những vấn đề khác nhau trong tư tưởng của nhân vật này. Cho đến hiện nay, Giáo sư vẫn tiếp tục gửi thư động viên, khuyến khích và chỉ giáo cho tôi tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Tôi cũng xin cám ơn Giáo sư Chương Thâu, người có nhiều nghiên cứu về cả hai nhân vật: Nguyễn Trường Tộ của Việt Nam và Fukuzawa Yukichi của Nhật Bản. Trong thời gian ở Nhật cũng như ở Việt Nam, Giáo sư đã chỉ bảo cho tôi rất nhiều về tư liệu, về cách chọn vấn đề nghiên cứu. Tôi cũng xin cám ơn lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các đồng nghiệp của tôi ở Khoa Đông phương học, Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Văn học và Ngôn ngữ… đã giúp đỡ và hỗ trợ cho tôi trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện cuốn sách này. Và cuối cùng, tôi xin cám ơn Phòng Quản lý khoa học và Phát triển Dự án, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vì sự giúp đỡ quý báu trong việc xuất bản cuốn sách này.
 

Tác giả