Kinh tế phát triển là môn học kinh tế mang tính tổng hợp, nghiên cứu các
nguyên lý phát triển kinh tế, khái quát sự vận động của nền kinh tế trong mối
quan hệ tác động qua lại giữa kinh tế và xã hội. Môn học giải quyết cụ thể
trường hợp của các nước đang phát triển và quá trình chuyển một nền kinh tế từ
tình trạng trì trệ, tăng trưởng thấp, tỷ lệ nghèo đói lớn và tình trạng mất
công bằng xã hội cao, sang một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh với các
chỉ tiêu xã hội ngày càng được cải thiện hơn. Thông qua quan điểm của các
trường phái kinh tế, các mô hình lý thuyết và thực nghiệm, môn học cung cấp cơ
sở khoa học cho việc lựa chọn đường lối phát triển kinh tế của các nước đang
phát triển với những điều kiện trong nước và quốc tế khác nhau.
Việc xuất
bản cuốn Giáo trình Kinh tế Phát triển (dành cho sinh viên ngoài chuyên ngành)
nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của đông đảo các bạn sinh viên đang theo học các
chuyên môn thuộc lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh của Trường đại học
Kinh tế Quốc dân nói riêng và của các trường đại học, cao đẳng kinh tế nói
chung trong cả nước. Ưu điểm của Giáo trình là trình bày các vấn đề kinh tế
học cơ bản của các nước đang phát triển một cách có hệ thống, ngắn gọn
và dễ hiểu, các định nghĩa, học thuật tương đối chuẩn xác, có ví dụ minh hoạ
phần lý thuyết và tập hợp nhiều số liệu thống kê về quá trình phát triển kinh
tế của Việt Nam và các nước khác. Cuối mỗi chương có phần tóm tắt nội dung, câu
hỏi ôn tập và nghiên cứu tình huống nhằm giúp cho sinh viên có thể nhanh chóng
tổng hợp lại những kiến thức đã học, phát triển tư duy, tăng cường khả năng làm
việc nhóm, khả năng giải quyết những vấn đề của thực tiễn kinh tế - xã hội.
Nội dung
Giáo trình xuất bản lần này gồm 9 chương, được chia thành 3 phần:
Phần I (Từ
chương 1 đến chương 4): Những vấn đề lý
luận về tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phần này tập trung nghiên cứu
bản chất, nội dung của tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế.
Phần II
(Từ chương 4 đến chương 8): Các nguồn
lực của tăng trưởng kinh tế. Phần này tập trung phân tích sự tác động của
các yếu tố đầu vào đến tăng trưởng kinh tế.
Phần III
(Chương 9): Chính sách ngoại thương đối
với phát triển kinh tế. Phần này tập trung nghiên cứu cơ sở của ngoại thương
và các loại hình chiến lược ngoại thương.
Tham gia biên soạn Giáo trình lần này gồm có:
-
PGS. TS. Ngô Thắng Lợi: Chương 1,2,3
-
TS. Phạm Ngọc Linh: Chương 6,7,8
-
TS. Nguyễn Thị Kim Dung: Chương 4,5
-
GS. TS. Vũ Thị Ngọc Phùng: Chương 9
-
TS. Phan Thị Nhiệm, TS. Nguyễn Ngọc Sơn,
ThS. Bùi Đức Tuân, ThS. Nguyễn Quỳnh Hoa: Phần nghiên cứu tình huống của các chương.
Giáo trình
do TS. Phạm Ngọc Linh và TS. Nguyễn Thị Kim Dung đồng chủ biên.
BỘ MÔN KINH TẾ PHÁT TRIỂN