Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc
gia, vùng lãnh thổ và có tới 90 quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Hội nhập kinh tế quốc tế
đem lại cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội mở rộng thị trường,
tận dụng nguồn lực của đối tác nước ngoài về vốn, trang thiết bị,
công nghệ, thương hiệu và kinh nghiệm quản lý, có điều kiện vận dụng
các chiến lược kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Vì vậy phát triển quan hệ buôn bán với đối tác nước ngoài là xu
thế tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Để thiết lập, phát triển
quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài đòi hỏi phải hiểu biết
cặn kẽ về luật pháp, phong tục tập quán, những nét đặc trưng về văn
hóa xã hội quốc gia của đối tác. Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm:
"nhập gia tùy tục", một trong các thủ tục đầu tiên quan
trọng nhất mà tất cả các doanh nhân, doanh nghiệp phải thực hiện đúng và đầy đủ là thủ tục hải
quan cho hàng hóa xuất, nhập khẩu. Theo Tổ chức Hải quan thế giới
(WCO) thủ tục hải quan là tất cả các hoạt động của các bên liên quan
và Hải quan phải thực hiện nhằm bảo đảm sự tuân thủ Luật Hải quan.
Giáo trình "Luật
Hải quan Việt Nam và quốc tế" được biên soạn với mục đích
giới thiệu Luật Hải quan của Việt Nam và của một số quốc gia trên
thế giới có quan hệ thương mại, đầu tư lớn, thường xuyên với Việt Nam
để giúp cho sinh viên, cán bộ, công chức trong và ngoài ngành Hải quan, cộng đồng
doanh nghiệp và các độc giả khác quan tâm đến pháp luật hải quan, có điều kiện
tìm hiểu một số nội dung quy định cụ thể của pháp luật hải quan về: phạm vi điều
chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật; tổ chức bộ máy của Hải quan; nhiệm vụ, quyền
hạn của cơ quan Hải quan và công chức Hải quan; địa bàn hoạt động hải quan,
lãnh thổ hải quan; thủ tục khai báo hải quan; kiểm tra tờ khai hải quan;
kiểm tra thực tế hàng hóa; tính và thu thuế; quy định về kiểm tra sau
thông quan; quy định về phòng chống buôn lậu và vận chuyển trái phép
hàng hóa qua biên giới; khiếu nại và giải quyết khiếu nại các quyết định
hành chính, hành vi hành chính về hải quan, v. v...
Việt Nam đã gia nhập Tổ chức
Thương mại thế giới, là thành viên của WCO, đang tích cực triển khai thực hiện
các cam kết khi hội nhập. Giáo trình biên soạn để cung cấp cho học viên trong
ngoài ngành có được những nhận thức khái quát ban đầu về hoạt động chung của hải
quan và công tác hợp tác quốc tế; hiểu được từng mảng hợp tác đơn lẻ theo từng
lĩnh vực chuyên ngành về hoạt động hội nhập đang diễn ra, từ các chương trình kế
hoạch, đề án đang triển khai đến những công việc cụ thể mà Hải quan Việt Nam và
Hải quan thế giới đang thực hiện. Nhận thức được khả năng, điều kiện quản lý của
nhà nước ta hiện nay, đối chiếu với mục tiêu phấn đấu của ngành Hải quan ở giai
đoạn ngắn hạn và dài hạn. Trên cơ sở đó, thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mọi tổ
chức, cá nhân trong nỗ lực chung cả ở giác độ người thực thi và người chấp hành
pháp luật hải quan.
Giáo
trình "Luật Hải quan Việt Nam và quốc tế" là kết
quả của sự hợp tác giữa giáo viên Bộ môn Thương mại quốc tế với các cán bộ của
Tổng cục Hải quan do PGS
-
TS Nguyễn Thừa Lộc làm chủ biên,
tham gia biên soạn gồm có:
- PGS. TS. Nguyễn Thừa Lộc, viết lời mở đầu, chương mở đầu
và các chương 1; mục II chương 2; mục I chương 4 và chương 6
- ThS Luật. Nguyễn Toàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng
cục Hải quan, viết chương 2 mục I, III,
IV và chương 11
- Cử nhân Luật, Trần Văn Lộc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế
Tổng cục Hải quan viết chương 7 và hiệu đính tất cả các chương của Giáo
trình
- PGS-TS. Nguyễn Thừa Lộc và Cử nhân Luật, Trần Văn Lộc, Phó
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Hải quan cùng viết chương 10
- TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, viết từ mục II đến VII chương 4 và chương 8 (trừ mục VIII)
- ThS. Hoàng Hương Giang, viết mục II, III,
IV chương 3 và mục VIII chương 8
- TS Nguyễn Bảo Long, viết mục I chương 3
- ThS. Dương Thị Ngân, viết chương 5
- ThS. Nguyễn Thị Liên Hương, viết chương 9
Các tác giả bày tỏ lòng
biết ơn tới các GS. TS trong hội đồng Khoa học Khoa Thương mại đã tham
gia góp ý kiến cho giáo trình. Xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới
các cán bộ Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế Tổng cục Hải quan,
đặc biệt là các ông Nguyễn Toàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; Ông
Trần Văn Lộc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Hải quan đã cung
cấp tài liệu, tình hình, góp ý kiến, hiệu đính về mặt khoa học tất cả
các chương và tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp nhóm tác giả
biên soạn giáo trình thực hiện đúng tiến độ.
Phục vụ cho chuyên ngành đào
tạo mới, Giáo trình biên soạn lần đầu tiên, mặc dù đã hết sức cố
gắng cập nhật tình hình nhưng pháp luật hải quan có phạm vi rộng,
liên quan đến nhiều luật khác nhau nên khó tránh khỏi thiếu sót,
khiếm khuyết. Trước tình hình buôn bán, đầu tư quốc tế có nhiều
biến động, các quốc gia luôn coi trọng hoàn thiện khuôn khổ luật pháp
nói chung và Luật Hải quan nói riêng để phát triển thương mại, thu
hút đầu tư, bởi vậy các tác giả chỉ có thể phản ánh quy định pháp
luật hải quan ở một thời điểm nhất định trong quá trình phát triển
của các quốc gia. Rất mong nhận được sự cộng tác, đóng góp ý kiến
của độc giả để hoàn thiện Giáo trình ở các lần xuất bản sau. Các ý
kiến đóng góp xin gửi về Khoa Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại
học Kinh tế Quốc dân theo địa chỉ: Khoa Thương mại và Kinh tế quốc tế,
Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, 207 đường Giải Phóng, Quận Hai Bà
Trưng - Hà Nội.
Email: Kthuongmai@neu.edu.
v
n
Tập thể
tác giả