Danh mục sách điện tử
Sách mới của NXB Tổng hợp TP.HCM
Tác giả: Bùi Nguyễn Trường Kiên
Giá ebook: 47,000 VNĐ
Tác giả: Trần Hoàng Vũ - Hà Tấn Tài
Giá ebook: 92,000 VNĐ
Tác giả: Ma Văn Kháng
Giá ebook: 99,000 VNĐ
Tác giả: Isabelle Müller
Giá ebook: 62,000 VNĐ
Tác giả: Trần Minh Thương
Giá ebook: 65,000 VNĐ
Chi tiết sách
Kinh doanh dịch vụ quốc tế (Sách chuyên khảo)

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thị Hường - Phó viện trưởng viện TM&KTQT

Số lượng còn: 1


Kinh doanh dịch vụ quốc tế (Sách chuyên khảo)

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thị Hường - Phó viện trưởng viện TM&KTQT

Số lượng còn: 1


Nội dung giới thiệu
Ngày 27/01/2011, Thủ tướng chính phủ đã ký phê duyệt “Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020”. Trong chiến lược viết: Tập trung vào phát triển khu vực dịch vụ đạt hiệu quả, chất lượng và năng lực cạnh tranh quốc tế; phân tích các dịch vụ có tiềm năng lớn, có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao….” Đây là định hướng quan trọng để tập trung mọi nỗ lực nhằm phát triển khu vực dịch vụ nói chung và dịch vụ quốc tế nói riêng. Trước đây, trong suốt thời gian dài người ta nghĩ rằng hầu hết các hoạt động dịch vụ đều là những hoạt động diễn ra trong phạm vi của một quốc gia và khó có thể tiến hành giao dịch qua biên giới. Chẳng hạn như khi chúng ta đi cắt tóc hoặc đi khám bệnh, thường thì cả người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ đều là người trong cùng một nước. Hơn nữa, một số lĩnh vực như vận tải đường sắt hay viễn thông thường được xem như những lĩnh vực mà nhà nước nắm toàn quyền sở hữu và kiểm soát do tầm quan trọng về cơ sở hạ tầng của chúng cũng như bản chất độc quyền tự nhiên của chúng. Những lĩnh vực quan trọng khác như y tế, giáo dục, và dịch vụ bảo hiểm cơ bản được nhiều quốc gia coi là bổn phận của nhà nước do tầm quan trọng của chúng đối với xã hội và liên kết các vùng miền. Vì thế, những lĩnh vực dịch vụ này được kiểm soát rất chặt chẽ và việc cung cấp chúng không nhằm mục tiêu lợi nhuận. Do đó, trong suốt một thời gian dài, người ta cho rằng không cần thiết phải có một hiệp định về thương mại dịch vụ.
Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính quốc tế và vận tải biển, từ hàng thế kỷ nay đã có sự trao đổi xuyên biên giới. Chúng là những lĩnh vực hỗ trợ đắc lực cho thương mại hàng hóa phát triển. Những lĩnh vực khác cũng đang trải qua những thay đổi cơ bản mang tính kỹ thuật cũng như những thay đổi về luật lệ điều chỉnh, dẫn đến việc tham gia ngày càng nhiều hơn của khu vực tư nhân và sự giảm dần các rào cản đối với những ai muốn tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này. Sự phát triển của giao thông vận tải, thông tin liên lạc và Internet cũng khiến cho ngày càng có nhiều loại dịch vụ có thể thực hiện được mà không phụ thuộc vào khoảng cách giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ và khi người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ có quốc tịch khác nhau. Những dịch vụ như ngân hàng điện tử, khám bệnh từ xa, hay du học, phát triển được chính là nhờ điều đó. Nhiều chính phủ cũng đã cho phép cạnh tranh trong những lĩnh vực dịch vụ trước đây họ giữ độc quyền, chẳng hạn như viễn thông, điện lực, hàng không…Điều đó và nhiều yếu tố khác nữa đã làm cho khu vực dịch vụ của nhiều nước phát triển không ngừng, có đóng góp rất đáng kể trong GDP của quốc gia. Có thể nói, dịch vụ là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế thế giới; chúng chiếm 60% sản xuất trên toàn thế giới, tạo ra 30% việc làm và chiếm gần 20% thương mại. Sự cạnh tranh giữa các quốc gia không chỉ diễn ra trong khu vực hàng hóa hữu hình mà còn diễn ra cả trong khu vực dịch vụ. Ngày nay, dịch vụ phát triển vô cùng nhanh chóng, từ một ngành phát triển tự phát, chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế, nó đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Vì thế mà vai trò của dịch vụ ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế thế giới và lôi kéo các quốc gia vào vòng cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Trong xu thế toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại dịch vụ là một tất yếu khách quan của mỗi quốc gia và toàn thế giới. Muốn cho thương mại dịch vụ phát triển có hiệu quả thì cần phải xây dựng cho nó một khuôn khổ hoạt động có tính thống nhất. Để có được một quy tắc đa phương điều chỉnh hoạt động thương mại dịch vụ trên toàn thế giới, các nước thành viên WTO đã tiến hành đàm phán thương lượng, và kết quả là Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) đã ra đời (Có hiệu lực từ 01/01/1995, sau khi kết thúcvòng đàm phán Urugoay). Đây là một trong ba nền tảng cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới. Nó tạo ra những quy tắc đầu tiên về tự do hoá thương mại dịch vụ trên phạm vi toàn cầu. Hiệp định được thiết lập nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của hệ thống thương mại đa phương sang lĩnh vực dịch vụ chứ không chỉ điều chỉnh một mình lĩnh vực thương mại hàng hóa như trước đây.
Trong xu thế tự do hoá thương mại dịch vụ, các ngành dịch vụ Việt Nam có những bước phát triển rất đáng kể, trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Việt Nam đã từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng thị phần, cải thiện vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế thì sự phát triển của các ngành dịch vụ Việt Nam còn tỏ ra nhiếu yếu kém như: trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu; chất lượng dịch vụ chưa cao; trình độ đội ngũ nhân viên còn nhiều hạn chế… dẫn đến nhiều bất cập làm cho năng lực cạnh tranh của khu vực này còn thấp cả trên thị trường trong nước và quốc tế. Do vậy, trong tiến trình Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ theo khuôn khổ Hiệp định GATS, các ngành dịch vụ của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức cực kỳ to lớn. Vì thế, việc nghiên cứu các dịch vụ quốc tế cơ bản đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách thương mại dịch vụ quốc tế của Việt Nam. Để hệ thống hóa cả về lý luận và thực tiễn trong kinh doanh dịch vụ quốc tế của Việt Nam, đồng thời gợi mở những hướng nghiên cứu trong lĩnh vực này đến năm 2020, tác giả đã mạnh dạn biên soạn cuốn tài liệu chuyên khảo dành cho sinh viên, giáo viên, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách về thương mại dịch vụ ở Việt Nam.
Tuy  nhiên, kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ bao gồm rất nhiều khu vực và nhiều loại khác nhau. Mỗi khu vực, mỗi loại lại có tính chất, quy mô và đặc điểm hết sức khác nhau nhưng chúng đều hỗ trợ đắc lực cho thương mại hàng hóa phát triển. Do hạn chế về thời gian và tư liệu tiếp cận được, cuốn sách chuyên khảo này không thể trình bày được hết các loại dịch vụ quốc tế. Tác giả đã lấy giác độ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ để trình bày các vấn đề lý luận và thực tiễn, và chỉ tập trung vào 5 khu vực dịch vụ quốc tế chủ yếu sau: Dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch quốc tế, dịch vụ xuất khẩu lao động, dịch vụ tài chính quốc tế và dịch vụ bảo hiểm quốc tế. Các khu vực dịch vụ khác, tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu và tái bản khi có điều kiện.

Để có thể hoàn thành cuốn chuyên khảo này, tác giả xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những đồng nghiệp trong bộ môn Kinh doanh quốc tế (Viện TM& KTQT) đã đóng góp những ý kiến quý báu và những sinh viên chuyên ngành đã giúp đỡ tác giả trong việc tập hợp tư liệu phục vụ việc biên soạn cuốn sách này.
Do hạn chế về thời gian cũng như trình độ, cuốn chuyên khảo này chắc còn nhiều hạn chế. Mọi đóng góp xin gửi về địa chỉ thuhuongkdqt@yahoo.com.vn
Trân trọng cảm ơn!

Tác giả
PGS.TS. NGUYỄN THỊ HƯỜNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG, VIỆN TM&KTQT