Bạn đọc hẳn không mấy ai xa lạ với cái tên Mã Thiện Đồng, tác giả
chuyên viết về đề tài chiến tranh cách mạng, đặc biệt là về cuộc chiến của các
chiến sĩ biệt động, tình báo tại chiến trường Sài Gòn - Gia Định những năm
tháng chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bạn đọc, nhất là
những ai yêu thích lịch sử cũng không thể không biết cái tên đại tá Nguyễn Văn
Tàu (Tư Cang), Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược H63 nổi tiếng, đơn vị Anh
hùng Lực lượng vũ trang từ năm 1970. Mới đây, cả hai đã cùng kết hợp với nhau
để thực hiện một cuốn sách khá đặc biệt có nhan đề Bước ra từ thầm lặng (sách
do NXB Tổng hợp TP. HCM xuất bản).
Cuộc chiến tình báo được ví von là cuộc chiến không tiếng súng
nhưng mức độ ác liệt thì không thua kém một cuộc chiến súng đạn trực tiếp nào.
Thế nhưng, vì nhiều lý do cuộc chiến tình báo ít được nhắc đến, những chiến
công, gian khổ hy sinh mất mát của chiến sĩ tình báo cũng vì thế chìm trong
thầm lặng. Cuốn sách sẽ giúp người đọc phần nào hiểu hơn những gian khổ mà
chiến sĩ tình báo phải trải qua trong những năm tháng ác liệt.
Tác phẩm gồm 20 bài viết về những chiến sĩ tình báo của cụm H63
cùng những gian nan họ phải đối đầu, đó là nhà báo Phạm Xuân Ẩn; là cô thư ký
xinh đẹp Nguyễn Thị Yên Thảo (Tám Thảo) ở Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng
hòa; Hoàng Nam Sơn, ông chủ khách sạn Embassy (nay là Khách sạn Bến Nghé)… Trên
hết, cuốn sách còn viết về những hy sinh tình riêng như câu chuyện của người
cụm trưởng, theo cách mạng từ khi tuổi đôi mươi rồi suốt 20 năm sau đó, không
một lần ghé thăm nhà dù rằng cha mẹ, vợ con ở gần ngay nơi anh làm nhiệm vụ.
Câu chuyện người chiến sĩ tình báo sau ngày giải phóng về gặp vợ con ở ngay con
đường mà anh bao năm qua ngày nào cũng đi qua, cũng biết mà chưa một lần ghé
lại. Sự hy sinh của những người lính cho ngày hòa bình thống nhất không chỉ có
máu, mà còn cả những nỗi đau đớn, nhớ nhung như thế.
XUÂN THÂN