Danh mục sách điện tử
Sách mới của NXB Tổng hợp TP.HCM
Tác giả: Bùi Nguyễn Trường Kiên
Giá ebook: 47,000 VNĐ
Tác giả: Trần Hoàng Vũ - Hà Tấn Tài
Giá ebook: 92,000 VNĐ
Tác giả: Ma Văn Kháng
Giá ebook: 99,000 VNĐ
Tác giả: Isabelle Müller
Giá ebook: 62,000 VNĐ
Tác giả: Trần Minh Thương
Giá ebook: 65,000 VNĐ
Chi tiết sách
Việt văn dẫn giải

Tác giả: Á nam Trần Tuấn Khải

Số lượng còn: 2


Nội dung giới thiệu

Trong lịch sử thơ ca nước ta, Á Nam Trần Tuấn Khải (1895 - 1983) được xem là một thi nhân tiêu biểu của giai đoạn ba mươi năm đầu thế kỷ 20, bởi những tác phẩm tiêu biểu và đóng góp quan trọng nhất của ông tập trung ở thời kỳ này: Duyên nợ phù sinh, Bút quan hoài, Với sơn hà. Trải qua quãng đường lịch sử gần một thế kỷ sau đó, thơ mới (1930 - 1940), rồi đến thơ ca kháng chiến (1945 - 1975), thơ ca hậu chiến (1975 - 1985) ra đời và lụi tàn, bao nhiêu thăng trầm, khúc khuỷu như thế, mà thơ ca Á Nam vẫn một dòng riêng thẳng chảy mãi, tạo thành một phong cách, một ngôn ngữ, một thế giới nghệ thuật thống nhất mà đa dạng.

 Thống nhất bởi chủ đề cũng như nội dung tư tưởng trong thơ ca Á Nam thủy chung đều quan tâm sâu sát đến thế sự, đến vận mệnh dân tộc, đến văn hóa truyền thống. Điều này thể hiện rõ ngay ở tên gọi các tập thơ của ông như đã kể trên. Đa dạng bởi chủ đề ấy được thể hiện bằng rất nhiều thể thức khác nhau, phong phú và sáng tạo: lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, lục bát đoản ca, thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, ngũ ngôn, trường thiên, liên hành, ca lý Huế (các điệu: cổ bản, nam ai, nam bằng, tứ đại cảnh, hành vân, kim tiền…), phong dao, hát xẩm, từ khúc, văn tế, ca trù - hát nói... Đặc biệt, trên cơ sở kế thừa và phát huy các thể loại truyền thống, Á Nam đã tạo ra “điệu Anh Khóa” nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của ông.

Ngoài tư cách là một nhà thơ, Á Nam Trần Tuấn Khải còn là một dịch giả và học giả cổ học nổi tiếng. Ông sống vào thời kỳ Nho phong, Hán học suy tàn, văn hóa mới thịnh hành, điều đó tạo nên ít nhiều gián đoạn giữa hai thời kỳ lịch sử. Để góp phần hạn chế những đứt gãy, đồng thời tạo ra một nhịp cầu kết nối giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, ông đã tích cực tham gia vào việc dịch thuật, chú giải và hiệu đính các sách vở cổ xưa, như: Mạnh Tử, Việt văn dẫn giải, Ức Trai tướng công di tập: Dư địa chí, Tam Tổ hành trạng, Tự Đức thánh chế văn tam tập, Đại Nam nhất thống chí,… Tập Việt văn dẫn giải này nguyên nằm trong bộ “Quốc học tùng san” do Nam Ký Thư Quán chủ trương và ấn hành từ thập niên 1930 với tinh thần gìn giữ và phổ biến những tinh hoa của nền quốc học, ngoài quyển kể trên do Á Nam tuyển chọn tác phẩm và chú thích, còn có: Bạch Vân Am thi tập, Vị Xuyên thi văn tập, Phổ Chiếu thiền sư thi văn tập, Hồng Đức thi văn tập, Bằng Quận thi văn tập, Ôn Như Hầu thi văn tập do Sở Cuồng soạn.

Việt văn dẫn giải gồm tất thảy 140 bài thơ Nôm thất ngôn bát cú, sớm nhất từ đời Trần thế kỷ 14 với bài Bán than của Trần Khánh Dư, muộn nhất là tác phẩm của những nhà thơ cuối thời Nguyễn và phần này chiếm đa số. Trong đó ngoài những tên tuổi quen thuộc như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,… còn một số tác giả ít người biết như “Ông giáo Thượng Du”, Phạm Thấu, Thái Duy Thanh.

Phần văn bản tác phẩm, độc giả sẽ thấy nhiều bài trong sách này có những chữ những câu khác với những gì từng thấy từng biết, ấy là do thơ Nôm được lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng nên có nhiều dị bản, ngay cả khi phiên âm từ một tác phẩm chép bằng chữ Nôm ra chữ quốc ngữ mẫu tự La-tinh cũng tạo nên những văn bản khác nhau.

Phần “dẫn giải”, tức chú thích, diễn giải có vai trò quan trọng đặc biệt trong tập sách này; bởi nó giúp người đọc, nhất là người đọc phổ thông, bớt đi những chướng ngại trên đường thâm nhập tác phẩm. Những chướng ngại này thể hiện trên bình diện từ ngữ và điển tích điển cố. Ở bình diện từ ngữ, dù là thơ Nôm, “quốc âm”, nhưng do có nhiều từ Hán Việt không phải ai cũng tỏ tường, nên Á Nam đặc biệt lưu tâm chú thích diễn giải một cách cặn kẽ mà giản lược dễ hiểu, chữ nào cũng được in kèm theo nguyên văn Hán tự, ví dụ: “xa bạc”, “nhân duyên”, “quyến luyến”, “tiêu sơ”,… Ngay cả những chữ đã “Nôm hóa” cũng được truy nguyên để độc giả rõ hơn, ví dụ: “bảng vàng”, “lấp bể”, “sừng trâu đỏ”, “mây mưa”, “ba sinh”,… Rồi những chữ “thuần Nôm” nhưng khó hiểu như: “nghề sáo”, “ba lẻ ba”, “ba năm đôi”,… cũng được soạn giả chú thích cẩn thận. Thơ xưa có một đặc điểm lớn là hay dùng điển tích điển cố, nếu không hiểu chuyện xưa tích cũ sẽ khó lòng giải mã được tác phẩm, bởi vậy những bài có điển tích điển cố, Á Nam đều dẫn giải rõ ràng, ví dụ: “Khúc ngâm Lương Phủ”, “đười ươi”, “bình tước”, “Nam Kha”, “tang thương”, “nhất nhi chung”,…

Tuy ra đời cách đây đã gần chín thập kỷ, nhưng ngày nay đọc lại, vẫn thấy nhiều điều hữu ích từ Việt văn dẫn giải, bởi nó giúp những độc giả hiện đại hiểu hơn, đến gần hơn với thơ ca cổ điển, qua phần chú thích từ ngữ, điển tích điển cố. Có lẽ hiểu được điều đó nên bà Lan Hinh - con gái cụ Á Nam, đã cho in lại tập Việt văn dẫn giải này. Đây là một việc làm đáng biểu dương, trân trọng, bởi nó không chỉ hữu ích đối với riêng Á Nam Lưu Niệm Đường do bà xây dựng, tô bồi và trông coi, mà còn hữu ích đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của nước nhà, những giá trị mà dù thời đại nào chúng ta cũng luôn cần chú ý quan tâm.

 Trong lần tái bản này, trật tự các bài được tuyển chọn vẫn y theo bản cũ, chỉ riêng phần thơ của Tú Xương và Nguyễn Khuyến trong nguyên bản xếp xen kẽ thì nay tách riêng. Đồng thời có bổ sung thêm một số điểm mới so với lần in trước: (1) thêm ít thông tin về tác giả, (2) bổ sung những chú thích còn để trống, (3) phụ chú vài chỗ thấy cần thiết, (4) làm mục lục cho sách. Tất cả những chỗ thêm thắt, bổ sung này đều được đặt trong ngoặc vuông ([…]) và sau dấu hoa thị (*) để phân biệt rõ với nguyên văn của Á Nam. Về chính tả, bởi đầu thế kỷ 20, phía bắc thường có sự nhầm lẫn một số phụ âm đầu trong khi in ấn, như thấy trong bản gốc sách này, ví dụ: “trú thích”, “bỗng rưng”, “kén dể”, “cối say”,… ở đây cũng đã sửa lại theo chuẩn, thành: “chú thích”, “bỗng dưng”, “kén rể”, “cối xay”,… bởi thấy điều này là cần thiết. Chúng tôi cũng hy vọng rằng nếu trong lần tái bản sau, Việt văn dẫn giải được bổ sung thêm phần tiểu sử tác giả đầy đủ hơn, so sánh đối chiếu những dị bản khác, chú thích thêm những từ ngữ ngày nay đã ít người dùng, thì tập sách này sẽ hoàn hảo hơn nữa, thiết thực hơn nữa trong việc truyền bá, phổ biến đến đông đảo độc giả.

LƯU HỒNG SƠN (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ)