Vào những năm 90 của thế kỷ XX, khi mạng
internet còn là thứ quá xa lạ thì báo đài dường như là “món ăn tinh
thần” duy nhất của mọi tầng lớp xã hội nước ta. Nói đến báo chí thời
điểm này có lẽ ít ai quên được những tạp chí Kiến thức ngày nay, Tài hoa trẻ, Thế giới mới,…
Đây là những nguyệt san, bán nguyệt san với những mục, những bài viết
chuyên sâu gồm đủ các lĩnh vực: khoa học, triết học, văn học, giáo dục,
luật học, y học… góp phần rất lớn vào việc nâng cao đời sống văn hoá
tinh thần của người dân nước ta. “Chuyện Đông chuyện Tây” trên tạp chí Kiến thức ngày nay của
tác giả Huệ Thiên (bút hiệu khác là An Chi, Viễn Thọ) là một trong
những mục được đông đảo bạn đọc với đủ mọi lứa tuổi yêu thích và trông
mong. Những bài viết của Huệ Thiên là những bài luận giải, khảo cứu về
nhiều lĩnh vực, đặc biệt là từ nguyên học mang tính học thuật cao nhưng
lại gần gũi, nhẹ nhàng. Qua những bài viết của tác giả, ta thấy một sự
hiểu biết uyên bác, một cách diễn giải chu đáo, tỉ mỉ, một sự nhiệt tâm
quảng bá tri thức, được diễn đạt bằng loại văn phong chặt chẽ, khúc
chiết, chắc nịch mà mọi độc giả đều hứng thú, yêu thích. Giá trị từ
những bài viết của học giả An Chi cũng được nhà ngôn ngữ học Cao Xuân
Hạo nhận xét: “Thời nay không có ai có thể tự cho mình là nhà bách khoa cái
gì cũng biết nhưng những câu trả lời của anh trên tạp chí đã làm thoả
mãn được phần đông độc giả vì đó đều là kết quả của một quá trình tra
cứu nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm đối với khoa học và đối với
những người đã có lòng tin cậy mình. Thêm vào đó là lời văn trong sáng,
đĩnh đạc, nhiều khi dí dỏm một cách nhã nhặn và tuệ minh, làm cho việc
đọc anh thành một lạc thú thanh tao”.
Năm 2004, với sự mong đợi từ bạn đọc
mến mộ, tác giả Huệ Thiên đã tập hợp những bài viết của mình trên báo,
tạp chí để in cuốn sách đầu tiên Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm.
Đúng như cái tên, cuốn sách đã tạo nên tiếng vang và là niềm cảm hứng
cho rất nhiều bạn đọc say mê tìm tòi nghiên cứu khoa học, để từ đó cái
tên Huệ Thiên - An Chi càng đi sâu, đi xa vào đời sống tinh thần và các
diễn đàn học thuật trên cả nước. Đến nay (2017) hơn mười năm sau khi
sách ra mắt bạn đọc, tác giả và Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí
Minh phối hợp tái bản cuốn sách nhằm đáp ứng mong muốn và nhu cầu của
rất nhiều bạn đọc yêu mến tri thức mà chưa có điều kiện được đọc cuốn
sách.
Bản in lần này (2017) về cơ bản vẫn
giữ nguyên theo bản in năm 2004. Ngoài việc chỉnh sửa những lỗi chính
tả, câu từ và cập nhật, bổ sung kiến thức mới cho một số bài viết cũ,
tác giả còn bổ sung thêm 23 bài viết mới được để riêng thành một phần
(VII - Phần bổ sung). Vẫn với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, khoa
học, các bài viết bổ sung tiếp tục là những khám phá mới, những trao đổi
mới của tác giả Huệ Thiên về những vấn đề mà các nhà nghiên cứu còn bỏ
ngỏ hay những nhận định, nhận xét chưa đúng của những “cây đa, cây đề ”
trong học giới. Những bài viết mới này cũng có thể coi là những tri thức
mới, những nhận thức mới của tác giả được cập nhật sau hơn mười năm tìm
tòi nghiên cứu. Đặc biệt, ở phần những bài viết bổ sung có bốn bài viết
như những lời tự truyện ngắn viết về quá trình học tập và trau dồi vốn
ngoại ngữ của cậu bé Võ Thiện Hoa thuở nào trên con đường đến với tri
thức để trở thành một học giả An Chi trong lòng mến mộ của bạn đọc.
Hy vọng trong lần tái bản này, cuốn
sách sẽ vẫn là “những tiếng trống” thúc giục tình yêu, lòng say mê
nghiên cứu, tinh thần đối thoại dân chủ, bình đẳng trong khoa học của
bạn đọc ở mọi lứa tuổi trong mọi giới.
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH