Có nhiều bản Truyện Kiều đã được khắc in; nhiều cuốn sách phiên âm, bình giải, nghiên cứu về các điển tích, điển cố, câu chữ, về nhân vật trong Truyện Kiều… đã được xuất bản kể từ khi kiệt tác này xuất hiện trên văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Hai trăm năm đã trôi qua, Truyện Kiều vẫn luôn là nguồn cảm hứng vô tận đối với người Việt Nam từ giới bình dân đến các bậc thức giả. Bởi vậy, hẳn độc giả sẽ không cảm thấy bất ngờ khi vào những năm đầu của thế kỷ XXI đang cầm trên tay một cuốn sách mới về Truyện Kiều với tựa đề Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872 do học giả An Chi phiên âm, chú giải và thảo luận.
Không bất ngờ nhưng chắc chắn quý bạn đọc sẽ thấy thú vị khi đọc cuốn sách này. Sở dĩ chúng tôi đoan chắc như vậy bởi mấy lẽ:
Thứ nhất, cuốn sách thể hiện sự chân xác và mới mẻ trong cách phiên âm. Trước đây, Truyện Kiều bản Duy Minh Thị 1872 đã từng được học giả Nguyễn Tài Cẩn và nhà Kiều học Nguyễn Quảng Tuân phiên âm. Tuy nhiên, như học giả An Chi đã chia sẻ trong Lời nói đầu, có không ít chữ mà cách phiên âm của hai vị tiền bối chưa được thỏa đáng, một phần bởi cách viết có nhiều khác biệt của chữ Nôm miền Nam; một phần bởi những sai sót trong quá trình viết mẫu, khắc in của những người thợ bên Trung Hoa - vốn không am hiểu về chữ Nôm. Trong bản phiên âm này, học giả An Chi vừa bám sát vào văn bản, vừa căn cứ vào đặc trưng của tiếng miền Nam, của chữ Nôm miền Nam, đồng thời cải chính những sai sót có thể xảy ra do quá trình khắc in để đưa ra cách đọc chính xác, hợp lý nhất.
Thứ
h
a
i, thay vì được bố trí ở ngay phía dưới mỗi trang sách với hình thức cước chú, mục Chú giải và Thảo luận được tác giả sắp thành một phần riêng biệt, xếp theo thứ tự ABC với dung lượng xấp xỉ 200 trang. Thú vị hơn nữa là phần chú giải và thảo luận được viết tỉ mỉ với giọng văn giàu cảm xúc, như thể người viết đang cùng độc giả mạn đàm bên chén trà nóng về những câu những chữ trong Truyện Kiều. Vì vậy, bạn đọc hoàn toàn có thể đọc riêng phần này như đọc một cuốn sách bình giải về Truyện Kiều, có thể tìm thấy những trường nghĩa khác lạ so với cách hiểu hiện nay. Như chữ “dặt dìu” trong câu “Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu” nghĩa là bàn bạc, nói tới nói lui; “não nùng” trong câu “Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng” lại có nghĩa say mê, đắm đuối; rằng “bụi hồng” không hẳn lúc nào cũng chỉ cõi nhân gian mà trong câu Kiều số 250 và 1036 lại đơn giản là… “bụi đường”. Tác giả cũng đưa ra những cách đọc khác với các bản phiên âm trước đây như: “Hạc nội mây nhàn” thay vì “Hạc nội mây ngàn”; “đỉnh Hiệp non Thần” thay vì “đỉnh Giáp non Thần” và cho biết đây là hai địa danh hoàn toàn có thật…
Điều thú vị thứ ba chính là tinh thần cẩn trọng và cởi mở của tác giả trong nghiên cứu học thuật. Để có thể đưa ra những kiến giải mới, phản biện một cách thuyết phục trước ý kiến của các bậc “cây đa cây đề” trong ngành văn bản học và Kiều học, học giả An Chi đã tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Hai năm trước, ông đã giới thiệu đến bạn đọc cuốn Câu chữ Truyện Kiều - thành quả của quãng thời gian dài nghiên cứu về tác phẩm này. Nay trong Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872, trên cơ sở tiếp tục tìm tòi, lắng nghe ý kiến của bạn đọc từ các diễn đàn, ông đã có những điều chỉnh trong cách phiên âm và giải nghĩa “với hy vọng đưa đến bạn đọc một bổn Duy Minh Thị 1872 đúng với chân diện mục và giá trị đương nhiên của nó”. Trên tinh thần đó, tác giả hẳn sẽ rất vui khi tiếp tục nhận được những ý kiến thảo luận của quý bạn đọc sau khi cuốn sách được ra đời.
Xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc gần xa.
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH