Bộ
ba tập "Nhật ký cô giáo Học kỳ Xuân - Học kỳ Hè - Học kỳ Thu" là ghi
chép hàng ngày theo đúng nghĩa đen của từ này. Tập tản văn là một thực
tiễn giáo dục, đơn thuần mô tả chân thực đời sống của nữ giảng viên làm
công ăn lương ở một trường đại học trong thành phố Hồ Chí Minh. Giảng
viên đại học cũng như bao nghề khác, có đầy rẫy thử thách làm cho cô
giáo không ít lần lao đao, khóc lên khóc xuống để giữ thẻ màu giảng
viên.
Vẫn giữ lối kể chuyện nhẹ nhàng hài hước,
"Nhật ký cô giáo - Học kỳ Thu" có nhiều đối thoại nhẹ nhàng, mô tả nhân
vật kĩ hơn hai tập trước. Trong "Nhật ký cô giáo - Học kỳ Thu" vẫn là
chân dung cô giáo đại học bận rộn bài vở nhưng đã thành thạo công việc
hơn cô giáo ở hai học kỳ trước. Cô giáo qua mấy học kỳ đã biết chấp nhận
học trò, bình tĩnh hơn trong đối thoại và xử lý dứt khoát 101 tình
huống sư phạm chỉ khi thực chiến mới thấy. Cô vẫn tỉ mỉ khi quan sát
xung quanh, mọi cuộc gặp gỡ trong trường hay ngoài trường dù ngắn ngủi
một vài phút cũng đủ cho cô giáo học hỏi từ các tiền bối, hậu bối.
Cô giáo hiện lên là một nhân vật lạc quan,
yêu nghề, tin người, có khả năng nhìn xấu thành đẹp, nhìn quen thành
lạ. Cô giáo vẫn nhạy cảm với mọi thứ xảy ra quanh mình nhưng đã cứng rắn
hơn trong cách xử lý. Nhờ đó những chuyện tưởng như bực mình trong học
quán lại trở nên đáng yêu, mang đậm cảm xúc đặc thù của học quán thanh
xuân này. Mỗi ngày cô đi làm đều có niềm vui.
Tập "Nhật ký cô giáo - Học kỳ Thu" hé lộ
nội dung nhiều tiết học trong lớp của cô giáo, đề bài là gì, hoạt động
của sinh viên, thể hiện quan điểm giáo dục thực tiễn của cô giáo: không
chỉ hoàn thành công việc được giao mà còn hướng đến xây dựng con người
hạnh phúc trong cuộc đời dài.