Tiểu thuyết của nhà văn Ngô Tất Tố, một trong những tác phẩm tiêu
biểu của trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1932 - 1945.
Năm 1936, một số chương của tác phẩm đã được đăng trên báo Tương lai và Việt
nữ . Tắt đèn xuất bản thành
sách lần đầu tiên vào năm 1939.
Tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn xã hội Việt Nam chịu ảnh
hưởng của phong trào đấu tranh sôi nổi thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936 - 1939),
trong đó vấn đề thân phận người nông dân trở thành một đề tài lớn của văn học,
được nhiều nhà văn thuộc các khuynh hướng khác nhau đề cập đến. Tắt đèn là bức
tranh điển hình về cuộc sống cơ cực của người nông dân đồng bằng Bắc bộ bị áp
bức, bóc lột tàn tệ dưới chế độ thực dân phong kiến.
Mở đầu tác phẩm là không khí căng thẳng, ngột ngạt của làng Đông
Xá trong những ngày sưu thuế. Buổi sáng đồng quê vốn yên tĩnh bị phá vỡ, náo
loạn bởi tiếng chửi bới, quát tháo của trương tuần, cai lệ, tiếng trống, mõ, tù
và inh ỏi, tiếng thét lác, đánh đập, tiếng kêu khóc thảm thiết vang lên khắp
mọi nơi.
Gia đình chị Dậu thuộc loại "nhất nhì trong hạng cùng
đinh" nên chị phải chạy vạy ngược xuôi để có tiền nộp suất sưu cho anh
Dậu. Anh Dậu đang ốm nhưng vì không có tiền đóng thuế vẫn bị bọn cai lệ xông
vào đánh trói, lôi ra đình cùm kẹp. Chị Dậu đành phải rứt ruột đem cái Tý, đứa
con gái đầu lòng lên bảy tuổi bán cho lão Nghị Quế bên thôn Đoài.
Vợ chồng lão nghị Quế giàu có nhưng keo kiệt, tàn ác, đã lợi dụng
tình cảnh khốn cùng của chị, kỳ kèo, lừa lọc mua cái Tý và cả một ổ chó chỉ với
giá hai đồng bạc. Tiền bán con, bán chó cộng thêm tiền bán hai gánh khoai, chỉ
v
ừa đủ tiền nộp suất sưu cho chồng, trong khi bọn cai trong làng
lại ép chị nộp cả suất sưu cho em trai anh Dậu đã chết từ năm ngoái. Không tìm
đâu ra 2,7 đồng để nộp thêm suất sưu cho em trai anh Dậu, nên anh Dậu vẫn bị
bắt, bị đánh, bị trói không được về nhà.
Lâm vào cảnh cùng đường, chị Dậu như người mất hồn bế hai con đi
thơ thẩn trong đêm. Đi lang thang đến gần sáng, vừa đi vừa nghĩ ngợi về cảnh
gia đình cùng cực, khốn quẫn, nước mắt chị tuôn chảy như mưa, cùng lúc ấy người
ta cõng anh Dậu rũ rượi như một xác chết ở ngoài đình về trả cho chị. Gọi mãi,
lay mãi anh không tỉnh, chị vô cùng hoảng sợ, đau đớn tưởng anh đã chết. May
sao, nhờ bà con xung quanh xúm đến cứu giúp, anh Dậu dần dần tỉnh lại. Một bà
lão hàng xóm tốt bụng thương cảnh nhà chị phải nhịn đói suốt từ hôm qua, mang
đến cho chị bát gạo để nấu cháo. Sáng sớm hôm sau, khi anh Dậu vừa cố ngồi dậy
cầm bát cháo, chưa kịp đưa lên miệng thì tên cai lệ và gã đầy tớ lý trưởng lại
xộc vào định trói anh mang đi. Van xin thế nào cũng không được, chị Dậu đã liều
mình chống lại quyết liệt, đánh ngã cả hai tên tay sai vô lại.
Phạm tội đánh người nhà nước, chị bị bắt giải lên quan phủ. Lão
quan phủ Tư Ân lợi dụng hoàn cảnh của chị, cho chị tiền và giở trò sàm sỡ. Chị
Dậu kiên quyết cự tuyệt, giằng nắm bạc ném vào mặt hắn và xô hắn ngã
kềnh.
Qua sự môi giới của mụ Cửu Xung, chị Dậu về bàn với chồng, cho cái
Tỉu làm con nuôi nhà hàng xóm, còn chị lên tỉnh Trung Sơn làm việc. Công việc
của chị là vắt sữa của mình cho quan cụ uống, do quan cụ gần tám mươi tuổi, đã
rụng hết răng không ăn được cơm, và theo lời khuyên của đốc-tờ: “Thì không gì
bổ bằng sữa người, phải có sữa người mới đủ tẩm bổ cho sức khỏe của cố”.
Công việc của chị khá nhàn hạ, nhẹ nhàng, mỗi ngày chị chỉ vài lần
dùng vú cao su úp vào vú mình hút sữa ra để dâng cho quan cụ. Quan cụ tỏ ý rất
thương chị Dậu, có lúc còn hỏi nếu muốn, ngài sẽ giúp cho chồng chị lên làm Lý
trưởng. Vào một đêm tối trời tiết đầu thu, quan cụ mò vào buồng của chị giở trò
đồi bại... Tác phẩm kết thúc bằng cảnh chị Dậu vùng chạy ra ngoài giữa lúc
“trời tối như mực, như cái tiền đồ của chị vậy!".
Tắt đèn
là một trong những tiểu thuyết tiêu biểu của dòng văn học hiện
thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Qua tác phẩm, Ngô Tất Tố đã dựng
nên bức tranh chân thực về xã hội nông thôn Việt Nam thời thực dân nửa phong
kiến. Với nghệ thuật, bút pháp điển hình hóa điêu luyện, tác giả đã làm nổi bật
bản chất và mâu thuẫn đối kháng gay gắt của hai giai cấp ở nông thôn Việt Nam
trước cách mạng. Một bên là bộ mặt, bản chất xấu xa, tàn độc của bọn địa chủ
cường hào ác bá, bọn quan lại dâm ô bỉ ổi - đại diện cho giai cấp bóc lột độc
ác, ăn trên ngồi tróc…; Một bên là vẻ đẹp thuần hậu, chân chất của người nông
dân chân lấm tay bùn - đại diện cho giai cấp bị trị với cuộc sống cùng cực,
khốn quẫn. Đặc biệt là vẻ đẹp của người phụ nữ nông dân Việt Nam, đảm đang,
nhân hậu, thông minh, đồng thời kiên cường, dũng cảm bảo vệ nhân phẩm và lẽ
phải.