Kỹ nghệ
lấy Tây
là phóng sự thứ hai của Vũ Trọng Phụng và là một trong những tác
phẩm góp phần khẳng định tài năng của tác giả. Tác phẩm là một thiên phóng sự
của nhà văn Vũ Trọng Phụng gồm 10 chương, trong đó có 9 chương đúc kết quá
trình điều tra và thu thập tài liệu của tác giả và chương cuối là phần kết
luận. Tác phẩm đã tạo nên một tiếng vang lớn thời bấy giờ.
Tác phẩm viết về những người phụ nữ lấy chồng Tây ở xóm Thị Cầu vì
nhiều lý do. Ở đó, tác giả hiểu được tâm sự phân vân của cô con lai Suzanne về
việc lấy chồng Tây, chứng kiến một cuộc ly dị chồng với một buổi cưới chồng của
bà Kiểm lâm, đã nghe được câu chuyện của người người lính Lê dương (Đi-Mi-Tốp)
với mười bốn người vợ mà ông ta đã từng lấy mà trong số đó có đến chín người là
đàn bà Bắc Kỳ và hầu hết những người đàn bà ấy đều lừa gạt ông ta cũng chỉ vì
tiền, đã được mục kích bà Đội Tứ - người chôn các me và cũng biết được lý do bà
Ách Nhoáng lâu lâu lại phát điên… Những mụ me Tây như bà Cẩm, bà Kiểm Lâm, bà
Ách Nhoáng, các me đã chia chồng Tây ra làm ba hạng theo chất xi-vin,
cô-lô-nhần và lê dương tương ứng theo số tiền nhận được. Phụ nữ ở xóm Thị Cầu
trong giai đoạn đất nước bị bóc lột nặng nề, họ làm thuê làm mướn vất vả nhưng
cũng không nuôi nổi bản thân. Từ hoàn cảnh đó, một số ít phụ nữ vì nhu cầu cuộc
sống cá nhân đã chấp nhận lấy chồng Tây để có được cuộc sống đầy đủ. Họ lấy Tây
dù chẳng biết tiếng ngoại quốc. Họ lấy chồng không phải vì yêu thương. Tất cả
chỉ vì tiền. Có người chồng về mẫu quốc, lại tiếp tục lấy chồng khác. Có hoàn
cảnh là nạn nhân của sự phụ tình, có người là do hoàn cảnh đưa đẩy, nhưng cũng
có những người bị cám dỗ trước thế lực của đồng tiền mà bán mình cho Tây.
Đó là chung quanh cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của những người
trong làng me Tây, gọi chung chung là xã hội lấy Tây, kỹ nghệ lấy Tây. Những
người phụ nữ ở đây vì đồng tiền họ chấp nhận cuộc hôn nhân vụ lợi, họ lấy những
người chưa từng gặp mặt quen biết cũng như không có tình yêu. Mỗi người mỗi
cảnh, có người đáng trách nhưng có người cũng rất đáng thương. Khi được tiếp
cận trực tiếp những mảnh đời me Tây, xâm nhập vào từng số phận con người, thái
độ nhà văn dần có sự thay đổi. Vũ Trọng Phụng vạch rõ một bộ mặt xấu xí của xã
hội, giữ thái độ cương quyết đối với tệ nạn. Từ những trải nghiệm thực tế đã
giúp ông dựng lên một phần xã hội Việt Nam bị biến đổi dưới thế lực của đồng
tiền. Nhưng qua đó ông cũng thể hiện lòng cảm thông cho số phận con người, đặc biệt
là lòng thương cảm đối với những đứa con Tây vô thừa nhận.
Làm báo, Vũ Trọng Phụng có phong cách của nhà báo. Ông nói thẳng,
nói thực. Vũ Trọng Phụng dám đưa ra những vấn đề cấm kỵ nhất của xã hội Việt
Nam dưới thập niên 30 – 40 của thế kỷ XX, đó là vấn đề tính dục, vấn đề mãi
dâm… Ông không ngại nguy hiểm đi vào vùng đen tối của xã hội để điều tra sự
thật về xã hội lấy Tây.
Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng là một trong những tác phẩm
phản ánh chân thực số phận con người, dựng lên một bức tranh xã hội sống động
đầy sức tố cáo.