Biển,
đảo Việt Nam ngày nay có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong
công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Biển là sân trước, vùng cửa ngõ của quốc gia;
đồng thời là không gian chủ quyền, cương vực lãnh thổ của quốc gia ven
biển. Các vùng biển, đảo và bờ biển nước ta liên quan trực tiếp tới an
ninh - quốc phòng, bảo vệ kinh tế và tài nguyên biển; đó cũng là vùng
kinh tế quan trọng, có tính chất quyết định trong chiến lược phát triển
của đất nước hiện tại và tương lai.
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước cả trên đất liền và
biển đảo, lần đầu tiên Việt Nam đã ký với Trung Quốc Hiệp định phân định
lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ
(ngày 25-12-2000). Được coi là một trong 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam
trong năm 2000, việc ký Hiệp định nêu trên không chỉ là kết quả to lớn
của một quá trình lâu dài giải quyết mối quan hệ Việt - Trung có tính
chất phương pháp luận về ứng xử hòa bình hữu nghị giữa hai quốc gia, mà
còn là một thực tế sinh động, một tiền lệ tốt đẹp để các quốc gia có
biển chung sống hòa bình, tạo điều kiện cho nhau cùng ổn định và phát
triển.
Từ năm 1982 đến nay, Việt Nam và các quốc gia ven biển còn có Công
ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) - một "hiến pháp" mới về biển
của cộng đồng quốc tế, một bộ các quy định về sử dụng các đại dương của
thế giới, làm cơ sở pháp lý cho các quốc gia tôn trọng độc lập, chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Điều quan trọng đối với mỗi công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa
Việt Nam ngày nay là phải có những hiểu biết về biển, đảo của đất nước
như đã từng hiểu biết về giang sơn bờ cõi đất liền vậy. Bởi những hiểu
biết đúng và đầy đủ về biển, đảo là một trong những cơ sở chắc chắn
nhất, góp phần bồi đắp thêm tình yêu Tổ quốc Việt Nam với cương vực lãnh
thổ quốc gia có gần ba phần tư diện tích là biển, đảo.
Chính trong yêu cầu thực tế đó, thật vui mừng khi xuất hiện tập khảo cứu Nhìn ra biển khơi của các tác giả trong Nhóm khảo sử Nam Bộ và Trung tâm Nghiên cứu biển
và đảo trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia
Thành phố Hồ Chí Minh. Tập khảo cứu bao gồm 5 phần: Không gian biển
đảo - Biển và đời sống dân tộc - Thăng trầm biển khơi - Biển Việt Nam
trong phát triển và hội nhập - Ơi biển Việt Nam. Đó là những nội
dung phong phú về biển đảo, được tiếp cận qua lăng kính lịch sử, thể
hiện bằng lối viết giản dị nhằm phục vụ cho đông đảo người đọc.
Ở góc độ sử liệu hay những sự kiện và vấn đề lịch sử, nhiều vấn đề
có thể còn phải bàn thêm; ngay cả sự sắp xếp bố cục và hành văn cũng
thấy cần có những nghiên cứu thống nhất hơn. Song dù sao cũng nên nhất
trí cao với các tác giả về động cơ và mục đích khảo cứu, rằng: “không có
tham vọng làm cho tiềm thức biển vốn có trong mỗi người dân Việt Nam
trở nên thường trực hơn, sâu sắc đậm đà hơn, chỉ góp phần khơi gợi thêm
điều gì đó về một tình yêu tiềm ẩn trong lòng mỗi thần dân đất Việt, như
là động vào chuông đồng và trống đồng xưa vậy, sóng âm tiềm ẩn rung
vang lên”.
Các tác giả cũng không tự nhận là những người chuyên nghiệp nghiên
cứu biển, đảo Việt Nam, do đó cũng không coi đây là một công trình
chuyên khảo sâu về lĩnh vực này. Nhưng quả thực, những người làm công
tác giảng dạy và nghiên cứu sử học rất có lợi thế trong việc tiếp cận
những vấn đề khoa học đương đại có tính chất liên ngành như mảng đề tài
về biển, đảo. Chẳng hạn từ một khối lượng thông tin đồ sộ trên những
kênh thông tin cộng đồng đang dồn dập đến với công chúng hiện nay, các
tác giả đã chắt lọc những tư liệu chính thống, được phổ biến chính thống, sắp xếp thành một hệ thống hiểu biết về biển, đảo Việt Nam ngày nay.
Hội Khoa học Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Tổng hợp
Thành phố Hồ Chí Minh rất hoan nghênh những cố gắng của các cơ quan khoa
học và các nhà khoa học, những tập thể và cá nhân đã hoàn thành tập
khảo cứu khá chất lượng này.
Hy vọng những tâm huyết và công sức của các tác giả sẽ góp phần giúp
cho người đọc hiểu một lối tiếp cận về biển, đảo Việt Nam; từ đó thêm
yêu biển, đảo quê hương, thêm niềm tin về sức mạnh gìn giữ chủ quyền
biển, đảo, cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu,
như đời đời ông cha chúng ta đã dựng xây và gìn giữ.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Thành phố Hồ Chí Minh,
Xuân Nhâm Thìn 2012