“Nhà
tù Côn Đảo” - một cái tên gắn liền với hình ảnh của nhà tù, của bọn cai ngục,
giám thị, của những roi vọt và những hình phạt khổ sai của thời trung cổ mà kíp
tù nhân ở đây phải chịu đựng. Trong lời giới thiệu sách “Lịch sử Nhà tù Côn Đảo (1862 - 1975)”, Giáo sư Trần Văn Giàu từng
ví những trại tập trung giết người nổi tiếng của Đức quốc xã trong Chiến tranh
thế giới thứ hai so với “Địa ngục trần gian Côn Đảo” chỉ như “ao cạn so với vực
thẳm”. Ở cái “Địa ngục trần gian Côn Đảo”, người tù bị hành xác đến độ mà cái
chết còn đem lại sự an ủi hơn là sống trong địa ngục. Sở Lưới là một cơ sở khổ
sai như vậy. Tù nhân ở Sở Lưới hàng ngày phải đi đánh cá về cung cấp cho bọn
gác ngục, thường làm việc trong hai kíp khổ sai: kíp Lưới Năm và kíp Lưới Rùng.
Mỗi khi có tàu ra đảo, tù nhân kíp Lưới Rùng được điều đi dọn tàu. Mỗi kíp đảm
nhận một công việc đặc thù đúng như cái tên của kíp mình; nhưng công việc của
kíp nào cũng vất vả và không kém phần hiểm nguy và tính mạng của người tù ở đây
hầu như không được xem trọng. Lao động khổ sai là thế nhưng bữa cơm của người
tù chỉ có cơm hẩm, khô mục, tương thối, quần áo thì mỗi năm chỉ có một bộ vải
thô, mặc chưa được bao lâu đã phải vá chằng vá đụp, người tù nào cũng vàng võ
xanh xao…